Một buổi sáng gió mát của những ngày thu tháng 8. Không gian thật yên tĩnh, tôi lắng nghe giai điệu bài hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ biết dành phần ai”... Và tôi lang thang trên trang mạng đọc được lời chia sẻ của người đồng nghiệp mà xót xa quá. Giữa những tháng ngày tình hình dịch bệnh Covid đang căng thẳng thì việc nào là việc nhẹ nhàng, việc nào là việc gian khổ đây? Tôi nghĩ rằng mỗi người hãy cùng lắng nghe và hiểu và thực hiện thông điệp “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần”.
Những năm tháng chiến tranh đất nước cần tinh thần xung phong ra tiền tuyến để giết giặc, đánh đuổi kẻ thù ra khỏi biên giới của ta. Những quá khứ hào hùng ấy đã là niềm tự hào vẻ vang của cả dân tộc. Nhưng hôm nay, loại giặc đang làm cho dân ta bất ổn thật sự ghê gớm. Covid chỉ cần đâm thủng phòng tuyến của một người nó sẽ có cơ hội bùng phát nhanh và nguy hiểm đáng sợ. Con số ca nhiễm và chết vì nó ngày càng tăng đến lo ngại. Do đó, Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh lây lan đã thực hiện Chỉ thị 16 của chính phủ tại địa phương giãn cách xã hội. Tỉnh Bình Dương có số người lao động từ nhiều tỉnh thành nên nguy cơ lây nhiễm đang tăng sau thành phố Hồ Chí Minh. Cho nên, UBND tỉnh quyết liệt trong nhiệm vụ giãn cách xã hội như nhà cách nhà, tổ cách tổ, khu phố cách khu phố, phường cách phường; cho test nhanh toàn dân kiểm soát dịch bệnh,... Vì thế mà lực lượng phục vụ cho công tác này không đủ để thực hiện hết nhiệm vụ. Tỉnh đã kêu gọi tình nguyện viên tự nguyện đăng ký tham gia vào công tác cộng đồng. Mỗi người chung tay vào sẽ đầy lùi dịch bệnh.
Bắt đầu từ đây có những câu chuyện thật cảm động và đáng trân trọng. Những người đã hết mình cho cộng đồng là họ đang chọn cho mình “gian khổ” đối mặt với tình hình dịch bệnh ngoài kia. Tôi xin dành tình cảm ngưỡng mộ của mình cho cô Văn Thị Bích Liên là cựu giáo viên của trường THPT An Mỹ. Bây giờ cô đã nghỉ hưu nhưng tinh thần tích cực của cô góp một phần công sức chung tay với cộng đồng thật đáng quý. Với độ tuổi của cô trước sự nguy hiểm của nhiễm bệnh là rất đang lo ngại. Nhưng cô vẫn tham gia công tác với tổ khu phố thực hiện hỗ trợ chốt kiểm soát tại phường. Sự tích cực và hăng hái của cô đã lan tỏa ấm áp niềm tin đến với mọi người. Xin chúc cô có thật nhiều sức khỏe.
Cô Văn Thị Bích Liên
Bên cạnh những tình nguyện viên như cô, các bạn trẻ luôn là lực lượng xung kích trong mọi công việc. Hình ảnh về em Thanh Nhàn cũng là cựu học sinh của trường THPT An Mỹ tham gia cộng tác viên hỗ trợ vùng dịch khó khăn. Các em đã từng trải với công việc của phân phát nhu yếu phẩm cần thiết cho các khu vực bị phong tỏa cách li. Các em tham gia vào thực hiện kiểm dịch ở các chốt. Với những thanh niên họ đã làm được theo khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có/Đâu khó có thanh niên”. Tôi chúc cho tất cả các em có thật nhiều nhiệt huyết, sức trẻ cống hiến cho cộng đồng. các em sẽ là tấm lá chắn mạnh mẽ nhất đẩy lùi Covid.
Điều tôi muốn chia sẻ với thông điệp của Chính phủ "Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần” chính là từ những câu chuyện đời thường của những cộng tác viên. Khi mà lực lượng chuyên trách của y tế không còn đủ sức với mức độ lây lan ngày càng nhanh, nhiều người đã tình nguyện lao vào những nơi khó khăn nhất để giúp đỡ họ.
Em Thanh Nhàn
Câu chuyện thứ nhất tôi chia sẻ là về những người làm công tác bên Chữ thập đỏ. Các nhu yếu phẩm, lương thực, rau màu,... của các mạnh thường quân gửi đến đế làm từ thiện cung cấp cho vùng phong tỏa cách li. Họ là những người phân loại, sắp xếp theo từng phần. Công việc rất nhiều mà số lượng người làm không đủ, đến cả cán bộ cũng chung tay làm dù trời mưa hay trời nắng. Tấm lòng của họ lươn hướng đến những người trong khu vực phong tỏa có đủ sức khỏe để chống lại bệnh dịch.
Câu chuyện thứ hai, tôi chia sẻ khi đọc được dòng tâm sự của người đồng nghiệp. Chuyện là khi người chồng của cô ấy đăng ký tình nguyện viên hỗ trợ CDC thực hiện công tác phòng chống dịch. Sáng ra khỏi nhà và khi tối về chỉ đứng ngoài cổng đợi cô ấy vào nhà soạn ra cho cái ba lô. Cô ấy viết “Đã nghĩ đến và có chuẩn bị...nhưng vẫn thấy chơi vơi...tâm trạng không thoải mái, không nói được gì hơn... Hãy nhớ mấy mẹ con luôn trông ngóng bạn từng ngày”. Từ tâm sự ấy, tôi thấy chạnh lòng quá. Tôi cũng được nghe nhiều thông tin về những tình nguyện viên làm công tác chống dịch và họ đã phải đi cách li vì nhiễm Covid.
Do đó, chúng ta là những người hãy chọn việc nhẹ nhàng là “ai ở đâu thì ở yên đấy”, hãy đứng yên mọi người nhé. Việc này thật sự rất nhẹ nhàng để giảm bớt phần khó khăn cho những người đang chịu nhiều áp lực, gian khó nhất. họ cũng có người thân,họ cũng muốn được nghỉ ngơi ngồi trong nhà uống lí nước mát và không phải nắng mưa vất vả... Chúng ta phải nghĩ cho mọi người, sự hi sinh, cống hiến của tình nguyện viên là rất lớn. Hãy ở yên trong nhà để họ không phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, để công việc của họ cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Chúng ta cùng nhau lên án những ai không chấp hành, có những lời nói xúc phạm, không hợp tác với chính quyền, công an, và cả tình nguyện viên nữa...họ chỉ làm đúng bổn phận, trách nhiệm bảo vệ cho mọi người.
“Chân lí thuộc về mọi người không chịu sống đời nhỏ nhoi. Xin hát về bạn bè tôi những người sống vì mọi người...”. Chúng ta hãy tin rằng người chồng sẽ về bên hạnh phúc chờ đợi của vợ con thật mạnh khỏe. Chúng ta hãy tin rằng những phần quà từ thiện sẽ đến tận tay những người đang có hoàn cảnh khó khăn trong lúc dịch bệnh này. Chúng ta hãy tin rằng tất cả cán bộ, tình nguyện viên luôn có nhiều sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta hãy tin rằng mỗi người dân ra đường phải thật sự cần thiết, dù ở đâu vẫn thực hiện tốt thông điệp 5k vì sức khỏe của minh và cộng động. Mỗi người hãy đứng yên khi nghĩ về nhiều người khác đang vì mình mà chiến đấu chống lại dịch bệnh.
Cô Trần Thị Kim Cúc, Giáo viên trường THPT An Mỹ.