Âm thanh cuộc sống mùa Covid

        Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đã viết những lời nhạc với các ca từ “có tiếng rao nghe sao lạc lõng,... có tiếng rao ngơ ngác xanh xao...” của biết bao nhiêu người lao động. Họ là những người xa quê sống bằng nghề bán hàng rong. Bạn có thường nghe những âm thanh: bánh mì nóng đây; chưng gai giờ đây; vé số; tiếng leng keng của xe bán kem,... Tất cả những âm thanh ấy kết hợp với tiếng xe cộ tấp nập trên đường đã tạo thành nếp sống của con người. Vậy mà, dịch bệnh covid lan tràn từ gần hai năm nay đã làm cho những âm thanh cuộc sống luôn bị gián đoạn. Đến lúc này, tôi muốn nghe những thanh âm ồn ào, náo nhiệt thường nhật đó...

        Những ngày cuối tháng 6 năm 2021, tình hình dịch Covid bắt đầu bùng phát nhanh ở Bình Dương. Tôi đã thấy nhiều  cửa tiệm, quán bán hàng đã chủ động trưng bảng “Bán đem về”. Nhưng vẫn còn nhiều người đi chợ, đi siêu thị, hàng quán uống nước,... điều đó không thể tránh vì đấy là nhu cầu của người mua kẻ bán. Vì vậy mà dịch bệnh có cơ hội lan nhanh hơn…

           Để ngăn và dập dịch bệnh, các cấp chính quyền của Tỉnh đã thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, theo đó phải tiến hành giãn cách xã hội một cách nghiêm ngặt. Các chốt kiểm soát được dựng lên để ngăn người dân ra đường.  Và đến ngày 27/7202 UBND tỉnh Bình Dương lại có thêm hướng dẫn về việc người dân không ra đường, các cửa hàng tạp hóa bán hàng thiết yếu đóng cửa từ 18h đến 6h sáng hôm sau. Đây là sự quyết liệt của Tỉnh nhà trong công tác phòng chống dịch bệnh…

          Có lẽ vì thế mà những âm thanh cuộc sống tĩnh lặng hơn. Những con đường đông đúc xe cộ qua lại giờ vắng lặng chỉ có tiếng gió thổi những chiếc lá bay xào xạc mà thôi. Những hàng quán cũng không bán vì cũng không có khách nào ghé mà bán đem về. những tiếng rao cũng chẳng còn vì chính những người bán hàng rong đó khó kiểm soát việc tiếp xúc và lây nhiễm…

            Những người chiến sĩ áo trắng đã từng nhắn nhủ “Các bạn hãy ở nhà để chúng tôi đi làm, để được về nhà”. Sự im lặng này thật đáng buồn và đáng tiếc nhưng nó tốt nhất trong lúc này vì đây là một cách chung tay đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh. Tôi mong rằng mọi người hiểu được lo lắng của Đảng, chính phủ khi thực hiện kiên quyết trong chiến lược này. Bao lâu nay cuộc sống vội vã, ồn ào thì nay sống chậm lại, yên tĩnh để suy ngẫm nhiều hơn.

          Thay vào những âm thanh cuộc sống là âm thanh của loa phường không phải chỉ phát vào khung giờ sáng chiều nữa. Nhiệm vụ của người phát loa phường là hoạt động thông tin liên tục để tuyên truyền đến người dân hiểu biết đúng hơn, rõ hơn về tình hình dịch bệnh; về các chỉ thị, thông thư của chính phủ, của chính quyền địa phương,... trong công tác phòng chống dịch. Âm thanh loa phát thanh còn đưa những thông tin cảnh giác việc lừa đảo lợi dụng tình hình dịch bệnh cướp tài sản; thông tin về cách tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe... Ngày nào chúng ta cũng được nghe, từ đó sẽ nâng cao ý thức để cùng nhau vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.

Ngoài ra, âm thanh mà chúng ta nghe được chính là… tiếng hú từng hồi dài của xe cứu thương. Bình thường, chúng ta rất ít nghe âm thanh của xe này vì phải rất nghiêm trọng và nguy cấp, nó mới xuất hiện. Vậy mà giờ đây, tôi, chúng ta và mọi người luôn phải nghe những thứ âm thanh ấy từ sáng cho đến tối. Tôi tin rằng mỗi người trong chúng ta đều không thích một chút nào âm thanh của loại xe này trong cuộc sống.

Hình ảnh (a)

Hình ảnh (b)

           Điều quan trọng trong sự tĩnh lặng tôi đã lắng nghe được tiếng lòng khao khát cuộc sống của mỗi con người. Ở hình ảnh (a) là nơi mà chiều nào cũng tấp nập người mua hàng. Đây không hẳn là cái chợ mà chỉ có 1 tạp hóa có bán rau, một chỗ gồm cả bán cá tôm mực; bán thịt heo...đáp ứng nhu cầu cảu người lao động khi tan ca chiều. Sự đông đúc và tiếng mua bán giờ chỉ là cách cửa đóng im lặng, vắng vẻ thế đó. Thực ra họ cũng hiểu việc ngừng kinh doanh là thực hiện đúng qui định của nhà nước để chống dịch lây lan trong cộng đồng. Và họ cũng khao khát mau hết dịch bệnh để mọi việc bình thường vì đó là cuộc sống mưu sinh của họ. Đến hình ảnh (b) tôi thật sự rất thương và đã chia sẻ với người bán vé số này. Cô tên là Chi, tuổi cũng đã ngoài 50, sống ở Bến Tre lên đây kiếm sống bằng nghề bán vé số. phòng trọ của cô vừa chật vừa tối. Trước khi dịch bùng phát, cô không may bị tai nạn gãy chân không bán vé số được. Khó khăn nhất của cô là đến lúc tái khám để kiểm tra xem tình trạng phục hồi của xương như thế nào thì dịch bệnh xảy ra, cô không thể vào bệnh viện thuận tiện như trước... Cô muốn tái khám nhưng phải “test nhanh” thì không có đủ tiền. Cái nghèo cái khổ đeo lấy cô với những khoản nợ, thằng con trai khờ khạo nên cô chỉ mong cái chân mau lành, chính quyền cho bán vé số trở lại để có thể trang trải mọi nợ nần dù chỉ là từng chút thôi. Và đặc biệt là dịch bệnh bùng phát mạnh từ trong các công ty xí nghiệp nên tất cả các công ty thực hiện chủ trương 3 tại chỗ. Tôi rất thương khi thất tâm lí hoang mang của họ khi xô rào bỏ chạy rồi cũng bình tĩnh quay trở lại. Họ cũng lo sợ, họ nghĩ về con nhỏ hay người mẹ già ở nhà ai chăm sóc; họ xa chồng xa con,... Tất cả những tâm lí tình cảm đời thường ai cũng có khi nghĩ đến mọi người được quây quần còn mình phải ở tập trung trong xí nghiệp. Nhưng mọi người ơi hãy yên tâm, khi dịch bệnh ổn thì gia đình sẽ đón học và bù đắp yêu thương. Người chồng sẽ thay vợ chăm con; vợ thay chồng chăm mẹ già để công nhân yên tâm giữ sức khỏe tốt chống lại và ngăn lây lan bệnh dịch ra cộng đồng và người thân...

         “Mỗi ngày ta chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười...” Ai trong chúng ta cũng đều hy vọng mỗi sớm mai thức dậy đều nghe tiếng chim hót, cảm nhận tia nắng ấm áp của bình minh và những âm thanh nhịp sống phát triển. Để có được điều ấy mỗi người càng ý thức rõ về sự tĩnh lặng ngày hôm nay. Hãy cùng nhau “đứng yên” (tức: sống có ý thức tích cực) để âm thanh tiếng xe cấp cứu được nghỉ ngơi; hãy cùng nhau ở nhà cho các bác sĩ y tá, chiến sĩ được chợp mắt một giấc mà lấy lại sức; hãy cùng chung tay để đánh bay dịch bệnh Covid-19… trả lại âm thanh tươi vui của cuộc sống và quê hương, đất nước tiếp tục phát triển…

         Chúng ta hãy tin vào ngày mai tốt đẹp sẽ lại đến.

Cô Trần Thị Kim Cúc, giáo viên trường THPT An Mỹ.

 
Các tin khác